Các yếu tố tạo nên khu kinh tế trọng điểm

Hiện nay vai trò của khu kinh tế trọng điểm không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn giúp quốc gia cung cấp nhiều việc làm chất lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Chính sự phát triển mạnh mẽ của những khu kinh tế trọng điểm này đã giúp quốc gia tiến lên phía trước, mở ra cơ hội mới và giữ vững vị thế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp. Bài viết hôm nay sẽ giúp các độc giả tìm hiểu những thành tố, yếu tố tác động nên việc định hình khu kinh tế trọng điểm trên đồng thời chỉ ra những thiếu sót mà các khu kinh tế tại Việt Nam cần cải thiện để phát triển trong tương lai.

Khái niệm khu kinh tế trọng điểm

Khái niệm về khu kinh tế trọng điểm có thể hiểu đơn giản là một khu vực hoặc vùng đặc biệt được chọn lọc và đầu tư ưu tiên để trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Chúng ta có thể thấy một số “keywords” thể hiện rõ những đặc trưng của một khu kinh tế trọng điểm bao gồm: “Đặc biệt, chọn lọc, đầu tư ưu tiên, trung tâm kinh tế, quốc gia, vùng, vốn FDI” và thường đi kèm với một số quốc gia quen thuộc rót vốn đầu tư vào các khu kinh tế trọng điểm tại Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong.

nha may nhat ban dau tu
Một nhà máy được Nhật Bản đầu tư tại khu kinh tế trọng điểm phía nam – Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Vai trò và tầm quan trọng của khu kinh tế trọng điểm

Với mỗi một quốc gia với vị trí địa lý khác nhau sẽ mang lại những lợi thế khác nhau trong kinh tế, văn hóa và chính trị. Khu kinh tế trọng điểm chính là nơi thể hiện rõ ràng nhất những lợi thế kinh tế đồng thời cho thấy mục tiêu phát triển kinh tế chung, sức mạnh nội tại và tốc độ phát triển của của quốc gia đó.

Việc thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn đồng nghĩa các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm cách đầu tư nhiều hơn vào các nước đang phát triển để tìm kiếm cơ hội và tiếp cận những nguồn lực với chi phí thấp. Các khu kinh tế chính là vũ khí mạnh nhất để các quốc gia có thể thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài mang lại nguồn lực kinh tế dồi dào cho nước nhà. Như vậy bên cạnh thể hiện sức mạnh nội tại của quốc gia, các khu kinh tế trọng điểm sẽ mang lại những đòn bẩy kinh tế giá trị giúp cho quốc gia vươn tầm thế giới.

Yếu tố tạo nên một khu kinh tế trọng điểm

Vị trí địa lý

Đầu tiên chúng ta cần nhắc đến yếu tố địa lý tự nhiên, cụ thể là vị trí địa lý. Để một khu vực có tiềm năng trở thành một khu kinh tế thì vấn đề tiên quyết chính là sự tiện lợi trong việc kết nối hệ thống giao thông quốc gia đồng thời sở hữu những lợi thế khi kết nối với các thị trường trong và ngoài nước. Lấy ví dụ khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải có thể thấy, khu kinh tế này nằm tại thành phố Hải Phòng có lợi thế gần cảng Hải Phòng và sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phát triển bậc nhất Việt Nam. Sự phục vụ của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khánh thành cuối năm 2015 đã liên kết trực tiếp khu kinh tế này với thủ đô Hà Nội, thị trường tiêu thụ số một trong khu vực phía Bắc nước ta.

Cang nam dinh vu
Cảng Nam Đình Vũ tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải

Chính sách của chính phủ

Tất cả các vấn đề phát triển kinh tế của nước nhà đều xuất phát từ mục tiêu kinh tế của chính phủ và quốc gia đó. Việc các chính phủ đưa ra những chính sách kinh tế chính là những điều kiện đủ để một khu vực vươn tầm trở thành một khu kinh tế. Với những ưu đãi về mặt thuế suất, cung cấp các gói vay ưu đãi và đặc biệt là những khoản đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng chính là động lực chính mà nhà nước và các chính phủ có thể cung cấp cho các khu kinh tế. Với những lợi thế rõ rệt này, các khu kinh tế trọng điểm có thể thu hút vốn cực kỳ nhanh với chi phí thấp tạo ra ưu thế tuyệt đối cho khu vực trong việc cạnh tranh đầu tư.

Chinh phu Quoc hoi khoa XV
Chính sách của chính phủ đóng vai trò quan trọng – Ảnh: Vietnamnet.vn

Cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản

Như đã đề cập ở trên, vấn đề cơ sở hạ tầng xuất hiện ở cả hai yếu tố quyết định cho một khu vực trở thành một khu kinh tế trọng điểm. Đối với vị trí địa lý, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường xá có thể kéo gần các cụm kinh tế rời rạc lại với nhau và biến chúng trở thành một khu kinh tế rộng với tiềm năng phối hợp và phát triển dồi dào. Bên cạnh đó, với sự góp sức từ những chính sách của chính phủ, các khu vực này sẽ được ưu ái đầu tư mạnh các hạng mục đường xá nhằm kết nối mạnh mẽ các khu kinh tế này tới các cảng biển, cửa khẩu quốc tế hay đơn giản hơn là với các thị trường lớn trong nước. Tại Việt Nam, việc đầu tư hệ thống cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã kéo gần các tỉnh lại, tạo ra một khu vực kinh tế trọng điểm quan trọng với 3 tỉnh là hạt nhân kinh tế, đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

cau bach dang 1
Cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh – Ảnh: Trung Nam Group

Nguồn nhân lực chất lượng cao

Vấn đề nguồn nhân lực chính là yếu tố cuối cùng góp phần định hình một khu kinh tế trọng điểm. Trên thế giới, việc kết hợp giữa các đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp diễn ra hết sức thường xuyên và có hệ thống. Điều này cung cấp cho các khu kinh tế của họ một nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng được đảm bảo. Rõ ràng, việc đầu tư vào các dự án giáo dục hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cao cho các khu công nghiệp là cần thiết tại Việt Nam. Điều này cần sự hợp tác sâu hơn nữa giữa doanh nghiệp và các trường Đại học, đồng thời cần sự đầu tư các dự án giáo dục với mục tiêu cụ thể trong việc xây dựng nguồn lực nhân sự trong tương lai trong ngành công nghiệp.

Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải – một ví dụ tiêu biểu

Như đã đề cập ở các phần trên, vị trí địa lý của khu kinh tế trọng điểm phía Bắc có thể nói là đáp ứng tương đối đầy đủ các yếu tố bao gồm:

  • Là trung tâm sản xuất lớn với hàng loạt các các khu công nghiệp sản xuất với tổng diện tích khoảng 22.540
  • Tiệm cận thị trường tiêu dùng phía bắc là Hà Nội, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động kinh tế của khu vực.
  • Sở hữu cảng Hải Phòng – cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc đồng thời trực thông với các cửa khẩu của Trung Quốc – nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới thông qua hệ thống đường cao tốc CT06, thuận lợi cho logistic và các hoạt động xuất nhập khẩu.
  • Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản trong 10 năm trở lại đây đặc biệt là tuyến cao tốc CT06 trực tiếp kết nối khu kinh tế với thủ đô Hà Nội đồng thời gián tiếp kéo gần khoảng cách với các tỉnh thông qua hệ thống cao tốc hướng tâm về Hà Nội đặc biệt là cao tốc Bắc Nam – CT01.
cao toc ct06
CT06 nối liền khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải với Hà Nội và kéo dài tới Móng Cái – Ảnh: Đỗ Phương

Hiện tại vấn đề thiết sót còn lại mà khu kinh Đình Vũ – Cát Hải còn đang đối mặt chính là các vấn đề về phát triển nguồn nhân lực. Đây là vấn đề chung của thị trường lao động ngành công nghiệp tại Việt Nam chứ không riêng gì tại đây.

Các chương trình đào tạo về nhân lực trong ngành công nghiệp vẫn đang tiếp tục phát triển và lực lượng lao động trong ngành công nghiệp vẫn có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện nay vẫn còn dựa khá nhiều vào các ngành thâm dụng lao động và sử dụng nhiều lao động phổ thông. Thị trường lúc này đang “khát” hơn bao giờ hết nguồn lao động chất lượng cao với trình độ chuyên môn vững vàng cùng kiến thức mới mẻ. Điều này đặt ra bài toán cho các khu kinh tế phải nhanh chóng bù đắp lượng thiếu hụt lao động thông qua việc đầu tư và đào tạo tay nghề cho các lao động.

Cập nhật mới vào ngày 12/9/2023, bên cạnh khu kinh tế ven biển Đình Vũ – Cát Hải, trong buổi hội thảo diễn ra cùng ngày, tỉnh Hải Phòng đã đưa ra đề án thành lập khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng tận dụng dư địa phát triển của chính Đình Vũ – Cát Hải và các khu kinh tế lân cận trong thời gian vừa qua. Theo đề án này, quy hoạch của khu kinh tế Nam Hải Phòng được đặt tại phía nam cửa sông Văn Úc.

Khu kinh tế mới sẽ bao gồm các công trình hạ tầng đáng chú ý như: sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, hai trung tâm logistic tại Kiến Thụy và Tiên Lãng cùng hàng loạt cảng dọc sông Văn Úc. Đề án này sẽ tối đa hóa được các nguồn lực hiện có của tỉnh Hải Phòng, đồng thời kết nối hiệu quả với các khu kinh tế lân cận tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.

Kết luận

Tiềm năng của các khu vực kinh tế trọng điểm là vô cùng lớn và vai trò của các khu công nghiệp này cũng đang ngày càng được đẩy mạnh. Nhà nước và chính phủ các nước đều cho thấy những quyết tâm nhất định trong việc phát triển mạnh các khu kinh tế này từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế quốc gia. Ở Việt Nam, có thể thấy, chính phủ có mục tiêu đầu tư đồng đều ở cả 3 miền với sự xuất hiện của 3 khu vực kinh tế mũi nhọn. Chính vì lẽ đó, các nguồn lực được phân bố đều nhằm phát triển kinh tế một cách toàn diện tránh tạo ra sự mất cân đối giữa các khu vực. Đây là một mục tiêu khó tuy nhiên cũng thể hiện tham vọng của chính phủ nước ta với mục tiêu rõ ràng trong việc biến Việt Nam thành một quốc gia phát triển vững mạnh.

Từ khóa: khu kinh tế trọng điểm.