Theo Luật số 04/2017/QH14 Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.” Như vậy, doanh nghiệp như thế nào thì được gọi là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa? Nhà nước có những chính sách hỗ trợ nào đối với những quy mô doanh nghiệp này hay không? Bài viết này sẽ đưa ra một cái nhìn tổng quan về các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
1. Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa
Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa như sau:
Quy mô
Lĩnh vực |
Doanh nghiệp siêu nhỏ | Doanh nghiệp nhỏ | Doanh nghiệp vừa | |||
Số lao động tham gia BHXH bình quân năm | Tổng doanh thu của năm/ Tổng nguồn vồn | Số lao động tham gia BHXH bình quân năm | Tổng doanh thu của năm/ Tổng nguồn vồn | Số lao động tham gia BHXH bình quân năm | Tổng doanh thu của năm/ Tổng nguồn vồn | |
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng | Không quá 10 người | Tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng | Không quá 100 người | Tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng | Không quá 200 người | Tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng |
Thương mại, dịch vụ | Không quá 10 người | Không quá 50 người | Tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng | Không quá 100 người | Tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng |
2.Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng rất nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, bao gồm hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
2.1. Hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý
Chính phủ thiết lập một mạng lưới tư vấn viên và đăng tải các thông tin về mạng lưới tư vấn viên này trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Căn cứ vào đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận thông tin và lựa chọn tư vấn viên hoặc tổ chức tư vấn và dịch vụ tư vấn phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.
Khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới này, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ như sau:
– Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 03 triệu đồng một năm;
– Doanh nghiệp nhỏ được giảm tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm;
– Doanh nghiệp vừa được giảm tối đa 10% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 10 triệu đồng một năm;
2.2. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
- Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh:
– Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.
- Hỗ trợ đào tạo nghề:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được miễn chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận. Lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục;
– Không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ.
- Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng không quá 01 lần một năm;
– Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiểu 10 học viên.
2.3. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh khi chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được áp dụng các chính sách hỗ trợ sau:
- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp: được tư vấn, hướng dẫn miễn phí.
- Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp: được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh; miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
- Hỗ trợ thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu: miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Hỗ trợ lệ phí môn bài: miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán: được tư vấn hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
2.4. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
- Điều kiện và phương thức lựa chọn tham gia Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
– Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.
Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện trên sẽ được lựa chọn tham gia Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua các phương thức sau:
– Được đầu tư, lựa chọn bởi các khu làm việc chung; các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh; các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hoặc
– Được nhận các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo; hoặc
– Được cấp Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế; hoặc
– Được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; hoặc
– Được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án thành lập.
- Nội dung hỗ trợ:
Doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ về các mặt như sau:
– Hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;
– Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới;
– Hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ;
– Hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa;
– Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
2.5. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị
- Tiêu chí lựa chọn cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị:
Việc lựa chọn cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
– Đóng góp cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia hoặc địa phương; hoặc
– Tạo việc làm cho người lao động; hoặc
– Tạo ra giá trị gia tăng cao; hoặc
– Có mật độ doanh nghiệp tham gia lớn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
– Tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành; hoặc
– Có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị.
Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện trên sẽ được lựa chọn tham gia Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua các phương thức sau:
– Có hợp đồng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp dẫn dắt trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
– Có hợp đồng mua chung nguyên vật liệu đầu vào.
– Có hợp đồng bán chung sản phẩm.
– Cùng xây dựng và sử dụng thương hiệu vùng.
- Nội dung hỗ trợ:
Các lĩnh vực được hỗ trợ bao gồm:
– Hỗ trợ đào tạo;
– Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh:;
– Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường;
– Tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng;
– Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.
Trên đây là một số nội dung tổng quan về doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như một số các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các quy mô doanh nghiệp này. Đây là nội dung mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lưu ý để có thể tận dụng tối ưu những hỗ trợ của Chính phủ, góp phần thúc đẩy sự phát triện của doanh nghiệp.