Nguồn Vốn FDI vào Việt Nam phục hồi sau Covid-19

Như nhiều quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy, Việt Nam sẽ nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Tổng quan

Theo số liệu cập nhật từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 11 tháng của năm 2021, đã có 1.577 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 31,8%). Trong khi tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD (tăng 3,76% so với cùng kỳ). Theo đó, đã có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 16,6%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Đồng thời, có 3.466 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 40,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,4 tỷ USD (giảm 33% so với cùng kỳ).

Sau 11 tháng, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm nhẹ 0,1 % so với 10 tháng năm 2021. Trước đó, lũy kế 10 tháng, tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm 4,1% so với cùng kỳ và giảm 0,6 điểm % so với thống kê của 9 tháng.

Về các ngành

Trong kỳ, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như GVMCP không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,5%; 28,1% và 16,5% tổng số dự án.

Về từng địa bàn đầu tư

Long An tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, riêng dự án điện khí của Singapore đã lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 82,4% tổng vốn đầu tư của Long An). TP.HCM đứng vị trí thứ hai với gần 3,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư, tăng thêm 700 triệu USD so với tháng liền kề.

Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký trên 2,8 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Trước đó, tới hết tháng 9, Hải Phòng đã vượt TP.HCM lên đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD ( tỷ lệ 12,2%), nhờ dự án điều chỉnh vốn lớn 1,4 tỷ USD của LG Display. Các địa phương tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…

Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (36%), số lượt dự án điều chỉnh (18,5%) và GVMCP (59,6%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,8%) và số lượt GVMCP (12,5%).

“*Làn sóng thứ 4 của đại dịch đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng các doanh nghiệp FDI đã chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài và các khoản đầu tư cần thời gian mới phát huy được tác dụng trong khi dịch chỉ mới bùng phát vài tháng gần đây. Theo ông Jeffries, “hơi sớm” để đưa ra những cảnh báo về xu hướng mới trong chuỗi cung ứng ở tầm nhìn trung và dài hạn. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục hưởng lợi trong quá trình chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang thay đổi, gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác” ông Andrew Jeffries nói.